top of page
Search

[CHUYÊN GIA AN NINH MẠNG VÀ LUẬT SƯ NÓI GÌ VỀ VĂN HÓA SCREENSHOT?]

Chia sẻ từ các chuyên gia sẽ giúp bạn bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư của mình trên mạng xã hội, từ đó hạn chế việc vô tình khiến bản thân rơi vào tầm ngắm của nạn bạo lực mạng.


Văn hoá chia sẻ screenshot đang trở nên ngày càng phổ biến không chỉ riêng trong cộng động giới trẻ mà với mọi lứa tuổi. Bên cạnh tính tiện lợi và nhanh chóng, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến việc bảo mật thông tin cá nhân. Thậm chí, phát tán ảnh screenshot còn có nguy cơ khiến bạn vi phạm pháp luật.


Lộ dữ liệu từ screenshot có thể gây ra những hậu quả khó lường

Hiếu PC, chuyên gia an ninh mạng khẳng định ảnh chụp màn hình là cách khiến thông tin cá nhân dễ bị lộ và sử dụng cho mục đích xấu.

"Ở khía cạnh tích cực, screenshot là hình thức chia sẻ thông tin dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, nó cũng làm cho thông tin cá nhân của bạn dễ dàng bị lộ hơn trên Internet" - Anh chia sẻ.


Theo Hiếu PC, những thứ có thể mang đến sự nguy hiểm và nhạy cảm hơn như là lịch sử giao dịch ngân hàng, thông tin danh tính, hình ảnh hay nội dung nhạy cảm của những cuộc trò chuyện…

"Những dữ liệu screenshot này có thể được chia sẻ một cách công khai và vô tình dẫn đến hậu quả khó lường. Bạn có thể bị mất danh dự, trở thành trò hề với mọi người xung quanh. Bạn cũng có thể bị kẻ xấu lạm dụng để đào bới thông tin dùng cho mục đích lừa đảo, giả mạo.


Có những screenshot cuộc trò chuyện tưởng chừng như vô hại nhưng kẻ xấu có thể lợi dụng để tìm hiểu câu chuyện, cảm xúc đang diễn ra giữa các cá nhân hay đối tượng." - Anh cho biết.


Hiếu PC khẳng định nhiều người có thể lợi dụng những screenshot để chỉnh sửa photoshop nội dung phù hợp nhằm vào mục đích thu thập dữ liệu, lừa đảo, giả mạo và tống tiền.


Cách để bảo vệ thông tin cá nhân khi screenshot

Theo Hiếu PC, đây là cách bạn nên làm để bảo vệ thông tin cá nhân khi chia sẻ ảnh chụp màn hình.

  • Nên cẩn trọng trước khi screenshot, cân nhắc nội dung và đối tượng mình chia sẻ có đủ tin tưởng hay không.

  • Nên che hay làm mờ bớt đi những phần nội dung nhạy cảm như tên, số điện thoại, chứng minh nhân dân, căn cước công dân.

  • Thu hồi và xóa screenshot có dữ liệu nhạy cảm liên quan đến thông tin danh tính sau khi chia sẻ cho bên thứ 3.

  • Tuyệt đối không chia sẻ screenshot nội dung (hình ảnh, video, hội thoại) mang tính chất 18+, hay có liên quan đến thông tin đăng nhập tài khoản, thẻ ngân hàng…

  • Cẩn trọng kể cả khi chia sẻ screenshot trên nhóm kín hay ở chế độ ẩn danh. Điều này vẫn có thể rất nguy hiểm đến tài khoản vì vi phạm quy chuẩn cộng đồng của nền tảng đang sử dụng. AI có thể phát hiện ra những nội dung cấm chia sẻ hay trao đổi dẫn đến tài khoản bị cấm vĩnh viễn.

  • Lưu screenshot trong điện thoại vào một thư mục có đặt mật khẩu. Điều này giúp bảo mật thông tin khi bị mất điện thoại.

  • Nếu sử dụng cloud để lưu trữ dữ liệu như Google Drive, Dropbox, người dùng nên để chế độ private (riêng tư), không nên public (công khai). Để an toàn hơn nữa, bạn có thể bỏ hết screenshot nhạy cảm mà bạn muốn lưu lại vào 1 file nén dạng như .zip rồi đặt mật khẩu.

Phát tán ảnh screenshot có vi phạm pháp luật?

Theo luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM), bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu sự kiện, hoàn cảnh về đời tư của cá nhân.


Như vậy, những thông tin cá nhân như số điện thoại, email, tin nhắn riêng tư của cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Người khác không được loan truyền các ảnh chụp màn hình này nếu không được người đó đồng ý hoặc pháp luật cho phép dưới mọi hình thức.


Theo bộ luật Dân sự 2015, người bị vi phạm bí mật đời tư có quyền yêu cầu người vi phạm phải:

a. Chấm dứt hành vi vi phạm.

b. Xin lỗi, cải chính công khai.

c. Bồi thường thiệt hại.


Trường hợp hành vi vi phạm cấu thành tội phạm thì người vi phạm bị xét xử về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện báo của người khác theo khoản 1 Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015.


Mặt khác, screenshot có thể là chứng cứ trước tòa

Theo luật sư, tin nhắn là một dạng Thông điệp dữ liệu (Điều 10 Luật Giao dịch điện tử 2005). Đồng thời, tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ, có giá trị như các nguồn chứng cứ khác.


Luật sư cũng khẳng định, theo những quy định trên, có thể thấy tin nhắn chụp màn hình điện thoại cũng có thể được coi là một chứng cứ trong quá trình điều tra vụ án hình sự. Tuy nhiên, để được xem là chứng cứ, chúng cần đáp ứng các điều kiện về tính khách quan, tính hợp pháp và tính liên quan của chứng cứ.




133 views1 comment

Recent Posts

See All

1 Comment


Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ!

Fanpage: SOC- Sick Of Cyberbullying.

Email: sickofcyberbullying@gmail.com

Website: Sick Of Cyberbullying

Like
Post: Blog2 Post
bottom of page